Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Ty Huu Doc Ngoc

Trong workshop tại Phật Sơn, các tác giả đánh giá một nhóm làng nông nghiệp có hệ thống mặt nước phức tạp mà họ gọi là water village sẽ trở thành một phần của trung tâm thành phố mới. Thông qua quan sát, phỏng vấn dân làng, bản đồ (mapping) và đo đạc, nhóm tác giả tìm hiểu quá trình biến đổi của ngôi làng giữa vùng công nghiệp năng động của Trung Quốc và đề xuất phương pháp tích hợp làng vào trong lòng đô thị dựa trên chính hệ thống cấu trúc hiện có và hệ thống mặt nước đặc trưng của làng.

 

Bài viết, một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất trên Tạp chí Thiết kế đô thị năm 2010, là những kinh nghiệm, bài học và ý tưởng mà nhóm tác giả thu được từ một workshop thiết kế đô thị quốc tế đầu năm 2008 tại làng Dadun, phía nam thành phố Phật Sơn (Foshan) thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đề tài của workshop là một vấn đề không có gì xa lạ với các nhà đô thị Việt Nam: tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến các thành phố mở rộng ra vùng sản xuất nông nghiệp và nhập các làng nông nghiệp vào ranh giới của chúng.

Trong workshop tại Phật Sơn, các tác giả đánh giá một nhóm làng nông nghiệp có hệ thống mặt nước phức tạp mà họ gọi là water village sẽ trở thành một phần của trung tâm thành phố mới. Thông qua quan sát, phỏng vấn dân làng, bản đồ (mapping) và đo đạc, nhóm tác giả tìm hiểu quá trình biến đổi của ngôi làng giữa vùng công nghiệp năng động của Trung Quốc và đề xuất phương pháp tích hợp làng vào trong lòng đô thị dựa trên chính hệ thống cấu trúc hiện có và hệ thống mặt nước đặc trưng của làng.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Hình 1: Bản đồ vùng châu thổ sông Châu Giang với vị trí làng Dadun được xác định bởi chấm đỏ.

Phương pháp quy hoạch mới cung cấp cơ hội tồn tại và phát triển như thế nào cho làng Dadun ở đồng bằng Châu Giang.

Với vị trí cửa ngõ và gần Hồng Kông, đầu tư công nghiệp đổ vào đồng bằng Châu Giang do ảnh hưởng của cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc năm 1978 đến sớm hẳn so với phần còn lại của nước Trung Quốc. Khu vực đồng bằng giờ đây là trung tâm của những nhà máy sản xuất lớn và nơi ra lò của nhiều hàng hóa tiêu dùng có mặt khắp các cửa hàng trên toàn cầu. Đi kèm với sự bùng nổ sản xuất của khu vực này là quá trình đô thị hóa nhanh chóng, phần lớn xảy ra nhanh hơn quá trình quy hoạch chính thức có thể bắt kịp. Cùng với sự tăng trưởng chưa từng có, các đô thị Trung Quốc đang chuyển mình và mở rộng sang các khu đất nông nghiệp xưa kia, sáp nhập các ngôi làng vào nội đô. Bài viết xem xét thực trạng và trình bày đề xuất đưa làng nông nghiệp Dadun thành một phần của khu trung tâm mới của thành phố Phật Sơn (Foshan) thuộc tỉnh Quảng Đông, cũng như việc mở rộng thành phố này vào khu vực cảnh quan nông nghiệp của đồng bằng Châu Giang.

Sinh kế từ mô hình nông nghiệp truyền thống

Dadun là một ngôi làng nông nghiệp điển hình ở Đồng bằng Châu Giang (hình 1). Có lịch sử từ thời nhà Thanh (thế kỷ 17), ngôi làng có hệ thống kênh rạch làm nguồn cung cấp nước nằm chằng chịt trên những vùng đất thấp, được bao quanh bởi các ao cá, và một cây đa to ngay trước cổng làng. Những dòng kênh rợp bóng cây và các công trình san sát nhau tạo nên không gian đô thị gần gũi và khí hậu mát mẻ trong những mùa hè nóng bức.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Hình 2: Bản đồ hệ thống kênh rạch và các hồ cá xung quanh làng Dadun. Khu vực xây dựng của làng được tô màu xám nhạt, hệ thống mặt nước được tô màu xám đậm hơn. Nguồn: Tác giả bài viết.

Cho đến những năm 1980, sinh kế của người dân ở những ngôi làng như Dadun theo một mô hình truyền thống khép kín và bền vững: kết hợp nuôi thuỷ sản, tằm và trồng rau, hoa, quả. Người dân trồng cây dâu tằm trên bờ đê giữa các ao, và bón cây bằng bùn giàu dưỡng chất từ ao cá. Lá cây dâu được họ dùng làm thức ăn cho tằm, sau đó thu hoạch tơ tằm bán cho các cơ sở dệt trong khu vực. Chất hữu cơ, đặc biệt là phân tằm, dùng làm thức ăn cho cá và bón vườn.

Từ năm 1925 đến 1930, ngành công nghiệp tơ lụa phát triển nhanh chóng khiến nhu cầu tằm non tăng mạnh. Tại Dadun thời điểm đó, cây dâu tằm chiếm khoảng 60% diện tích canh tác và ao cá chiếm 40%. Tuy vậy, không lâu trước chiến tranh thế giới thứ II, hoạt động sản xuất tơ lụa ở Dadun gián đoạn do nhà máy thu mua tằm đóng cửa. Từ những năm 1960, chính phủ yêu cầu nông dân khôi phục lại sản xuất tơ lụa. Hoạt động này một lần nữa ngừng lại vào thập niên 1980 do ô nhiễm không khí ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất tơ lụa và việc công nghiệp hóa ngành này ở các nhà máy lớn khiến cho giá trị tằm giảm đi.

Ngày nay, Dadun vẫn còn lưu giữ một cấu trúc làng nông nghiệp có hệ thống mặt nước truyền thống với mạng lưới kênh rạch và những con đường làng nằm vuông góc với những con kênh này và kết nối với chúng bởi những bậc thang dẫn xuống mặt nước. Tuy nhiên những hồ nuôi cá đã bị bỏ hoang còn những cánh đồng thì biến mất dần nhường chỗ cho các khu công nghiệp.

Đô thị hóa đất nông nghiệp & Sự thất bại của một mô hình phương Tây

Là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất vùng đồng bằng, dân số Phật Sơn tăng từ 323.000 người vào năm 1990 lên 4 triệu người trong vòng 10 năm, thông qua mở rộng ranh giới thành phố và di cư. Xu hướng này vẫn tiếp tục khi thành phố phát triển về phía nam, nơi một trung tâm thành phố mới đang được hình thành.

Năm 2003, chính quyền Phật Sơn đã lựa chọn quy hoạch phát triển thành phố mới do công ty Sasaki Associates[i] thực hiện từ một cuộc thi để tiến hành xây dựng (hình 6). Theo đề xuất của Sasaki, các yếu tố cảnh quan nên được xây dựng dựa vào bối cảnh tự nhiên hiện có như hệ thống mặt nước và các vùng ngập nước. Tuy vậy thực tế hoàn toàn ngược lại, quy hoạch đã không xem xét các hệ thống kênh rạch phức tạp tồn tại từ trước và mô hình sinh kế truyền thống phụ thuộc vào chúng. Bản kế hoạch hiển nhiên cho rằng các ngôi làng nông nghiệp sẽ được xoá bỏ toàn bộ và thay thế bằng một cấu trúc đô thị hoàn toàn mới, trong đó có việc xây dựng một con đường tám làn xe băng qua trung tâm làng Dadun.

Sự việc bị dân làng phản đối. Họ khẳng định quyền sở hữu đất của mình và không hài lòng với việc bồi thường của nhà nước. Kết quả là con đường mới theo quy hoạch phải dừng lại đột ngột ở rìa làng. Kế hoạch Sasaki do đó mới thực hiện được một phần, bao gồm một công viên trung tâm, nơi có hồ nước rất lớn tọa lạc và một dòng kênh nhân tạo uốn khúc được thiết kế nhằm mục đích trang trí đơn thuần mà không có vai trò về môi trường thực sự. Sự thiếu hiểu biết về đặc điểm hiện trạng và các yếu tố địa phương trước hết dẫn đến những hậu quả về môi trường. Điển hình là việc chính quyền giữ sạch nước trong các con kênh “trang trí” bằng việc xây dựng một cửa ngăn nước phía Nam công viên khiến cho nước kênh trong làng không thể đổ ra trực tiếp ra sông Dong Pinh. Sau khi công trình được xây dựng, chất lượng nước trong hệ thống kênh của làng, vốn là nước thải sinh hoạt không qua xử lý, lại càng trở nên tồi tệ.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Hình 3: Sơ đồ thể hiện hệ thống sản xuất khép kín truyền thống ở làng Dadun. Hệ thống này có tính bền vững cao bởi hạn chế tạo ra rác thải và giảm chi phí sản xuất một cách tối đa nhờ tận dụng chất thải của mỗi mắt xích làm đầu vào cho các mắt xích khác trong chuỗi sản xuất. Nguồn: Tác giả bài viết.

Bước ngoặt chính sách

Ở cấp quốc gia, việc phát triển đất đai hiện nay được xem xét lại dưới khía cạnh tác động xã hội và môi trường. Sự phản kháng của dân làng Dadun xảy ra đúng vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, đề xuất một chính sách mới nhằm “xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa hài hòa”. Sự thay đổi này hướng đến giải quyết khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trong lòng xã hội Trung Quốc và môi trường ngày càng xuống cấp do các chính sách tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá trước kia. Đại hội Đảng tháng 10 năm 2007 khẳng định cam kết thực hiện công cuộc đô thị hóa tốt hơn với chính sách “những công trình và khu đô thị mới và cũ giao thoa một cách hài hòa hơn”.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Hình 4: Quy hoạch khu trung tâm mới của thành phố Phật Sơn do công ty Sasaki thực hiện. Khu vực làng Dadun hiện hữu được xác định bởi khung màu đỏ. Nguồn: Tác giả bài viết.

Thay vì đối đầu và xóa bỏ những cộng đồng hiện hữu, một sự tích hợp “hài hòa” những ngôi làng như Dadun vào một cơ cấu đô thị được phát triển mới có thể tạo ra một vành đai xanh với hệ thống hồ ao, kênh rạch và làng xóm. Các ngôi làng có thể giữ một vai trò kinh tế và xã hội quan trọng một cách độc lập ở những thành phố mới. Điều này có thể tránh được một số mâu thuẫn xã hội trong tương lai, đồng thời bảo tồn môi trường và nét văn hóa riêng của làng.

Từ giữa thập niên 1950, theo mô hình của Liên Xô, sở hữu tư về đất đai được chuyển thành sử hữu chung cho tới ngày nay. Ngôi làng Dadun với vai trò là đại diện tập thể quản lý quyền sở hữu đất đai độc lập với thành phố giáp ranh và với chính quyền huyện. Khi thành phố mở rộng ranh giới, tập thể được đền bù cho sự mất đất. Dân làng chuyển đổi phần đất còn lại, bao gồm đất thổ cư, thành đất công nghiệp/thương mại cho thuê 30 năm hoặc thành đất ở cho thuê 50 năm. Trong làng, cư dân cho công nhân nhập cư, nay đã đông gấp đôi dân làng, thuê nhà để ở trong khi làm việc ở các nhà máy xung quanh.

Sự gia tăng dân số do làn sóng nhập cư trong các ngôi làng và lợi ích kinh tế của nó đã dẫn đến các việc xây dựng các công trình bốn, năm tầng làm nhà trọ thay thế những trang trại một tầng trước kia. Các con đường vốn đã hẹp ngày càng hẹp hơn, trông ẩm ướt và tối tăm ngay cả vào ban ngày. Nhiều người dân cho thuê nhà và chuyển vào sống ở các căn hộ cao tầng hiện đại gần đó.

Chính quyền thành phố thường xem những ngôi làng này là khu ổ chuột với những công trình xây dựng lem nhem, thiếu hụt cơ sở hạ tầng và đôi khi tạo ra rối loạn xã hội. Tuy nhiên, với nhưng người công nhân nhập cư ngày càng đông này, công việc tuy sẵn có, nhưng không có nhiều nơi ở phù hợp với thu nhập của họ. Do vậy, những ngôi nhà giá rẻ tại các làng đô thị rất quan trọng cho sự tồn tại của lực lượng lao động rẻ, từ đó đóng góp cho nền kinh tế của khu vực.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Ảnh vệ tinh chụp làng Dudan và khu vực xung quanh năm 2002 (hình trái) khi công nghiệp hóa chưa lan tới khu vực và năm 2010 (hình phải) khi làng Dadun nằm lẫn trong một phần trung tâm đô thị mới của thành phố. Nguồn: Google Earth.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Một số hình ảnh hiện trạng làng Dadun. Nguồn: Kirsten Holder.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Một số hình ảnh hiện trạng làng Dadun. Nguồn: Kirsten Holder.

Giải pháp quy hoạch mới

Tháng riêng năm 2008, làng Dadun đối mặt với hai lựa chọn. Một mặt, dân làng có thể thương thảo với các nhà đầu tư để thỏa thuận một giá đền bù cao hơn giá của chính quyền. Bên cạnh tiền đền bù này, chính quyền địa phương sẽ trả lại 15% diện tích đất cho dân làng để tự phát triển. Đổi lại, toàn bộ ngôi làng sẽ biến mất vĩnh viền và bản quy hoạch của Sasaki được thực hiện. Khía cạnh chưa giải quyết của phương án này là tương lai của 6000 công nhân nhập cư đang sinh sống trong làng. Viễn cảnh thứ hai, vốn đang được theo đuổi bởi hội đồng làng là không chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiếp tục giữ sở hữu tập thể về đất đai và kiểm soát quá trình quy hoạch và cấp phép xây dựng.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Điều chỉnh mạng lưới đường nhằm “tránh” các ngôi làng nông nghiệp. Một số diện tích đất nông nghiệp và các hồ cá xung quanh các làng được giữ lại làm không gian xanh và khoảng đệm giữa đô thị và làng truyền thống. Nguồn: Tác giả bài viết.

Một cơ hội để tạo ra sự thay đổi tích cực đến với dân làng Dadun khi mà một nhóm học giả và sinh viên Khoa thiết kế Môi trường của Đại học California – Bekerly (UCB) hợp tác với Đại học Kỹ thuật Nam Trung Hoa (SCUT). Nhóm này, dẫn đầu bởi giáo sư Bosselmann, đã làm việc với chính quyền thành phố Phật Sơn và đại diện cộng đồng dân cư làng Dadun để xây dựng các chiến lược bảo tồn và tái thiết mạng lưới mặt nước và để biến đổi cấu trúc của làng Dadun và các làng nông nghiệp xung quanh nhằm phù hợp với nhu cầu của tất cả cư dân, bao gồm cả những người nhập cư. Nhóm học giả từ Đại học California – Berkely và Đại học Kỹ thuật Nam Trung Hoa ủng hộ và trợ giúp trong phương án thứ hai. Bốn giả định làm định hướng cho quy hoạch:

▪ Dân làng kiểm soát sử dụng đất và các hoạt động xây mới để từng bước biến đổi làng thành một phần của trung tâm mới thành phố Phật Sơn. Để có tài chính cho hoạt động xây dựng, dân làng sẽ đầu tư thu nhập cho thuê đất và nhà vào các quỹ đầu tư cho các hoạt động thương mại và văn hóa của khu trung tâm thành phố mới.

▪ Mạng lưới kênh lịch sử sẽ được nâng cấp. ệ thống mặt nước và cây xanh trồng dọc dọc theo chúng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm tác động của lũ lụt.

▪ Hệ thống kênh có một chức năng sinh thái quan trọng, có ích cho cây xanh và đời sống động vật cũng như làm tăng chất lượng không khí và tạo vi khí hậu tôt cho con người.

▪ Hệ thống phân chia lô đất và ô phố của làng có tiềm năng để có thể cải tạo, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng vệ sinh – môi trường. Việc nâng cấp đô thị sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người bao gồm cả các công nhân nhập cư.

Dự án được thực hiện thành 3 bước:

▪ Bước 1: các phương pháp nghiên cứu bao gồm cả quan sát chi tiết cộng với phỏng vấn các lãnh đạo cộng đồng và đánh giá các nghiên cứu và kinh nghiệm tương tự khắp thế giới mà nhóm có thể tiếp cận;

▪ Bước 2: thực hiện khảo sát hiện trạng, đo đạc chất lượng nước và đánh giá quy hoạch hệ thống thoát nước bẩn, mạng đường và các vấn đề liên quan tới hình dạng học của làng (morphology) và thể loại nhà ở (typology). Việc sử dụng không gian công cộng của cư dân trong làng được ghi lại và các bản đồ về hình thức không gian đô thị (urban form) được thực hiện sử dụng phương pháp chụp ảnh và dữ liệu vệ tinh.

▪ Bước 3: Nguyên tắc thiết kế được đề xuất và minh họa như là sự thử nghiệm các giả định ban đầu.

Sắp xếp đường phố và kênh theo hình cây lược được đề xuất có thể mang lại lợi ích tối ưu hơn cho những ngôi làng này. Lưng lược sẽ là lối đi bộ dọc theo kênh rạch còn chân lược là các hẻm nhỏ cách đều nhau. Khoảng cách giữa những con hẻm cho phép một ngôi nhà trổ cửa ra mặt trước và sau hai con hẻm song song. Các ngôi nhà hướng ra kênh dọc theo lưng lược nhìn chung được thiết kế tinh tế hơn và thường có nhà thờ tổ tiên. Một số cấu trúc lược cho phép hai ngôi nhà nằm giữa những con hẻm, nhưng diện tích thường nhỏ hơn và sẽ chỉ có một lối vào từ phía trước chứ không có cửa sau.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Mặt cắt mô tả đề xuất về hệ thống xử lý và trữ nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình và nước mưa dưới lòng đường ven kênh trước khi xả ra hệ thống nước thải của thành phố hoặc kênh. Nguồn: Tác giả bài viết.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

(Trái) Các tuyến đường làng hướng vuông góc với trục kênh để đảm bảo tuyến lưu thông của gió. (Phải) Các ao cá xung quanh lằng tạo ra khoảng đệm và làm nổi bật hình ảnh làng giữa không gian đô thị. Nguồn: Tác giả bài viết.

Do sẽ khó khăn hơn nếu người dân phải giải quyết những vấn đề liên quan đến chất lượng nước và lưu thông nước, cũng như sửa chữa cần thiết cho kênh và ao, những giải pháp và nguyên tắc thiết kế sau được nhóm tác giả đề xuất cho việc sáp nhập ngôi làng vào trung tâm thành phố mới của Phật Sơn (hình 8):

Nâng cao chất lượng nước của kênh rạch nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, kể cả bơi lội. Do đường ống thoát nước sẽ phục vụ sự phát triển đô thị mới xung quanh, có thể tập trung nước thải trong làng bằng cách lắp đặt ống cống dưới lối đi được lát gạch dọc theo mép kênh, và nối chúng với cống chính. Đồng thời, nước thải từ nhà dân, cùng với nước mưa, có thể được xử lý cục bộ dưới vỉa hè ven kênh và giữ tại đó để đưa vào hệ thống kênh rạch khi đạt tiêu chuẩn.

Duy trì các tuyến đường thủy và hướng gió để bảo tồn và khôi phục chức năng tạo nguồn không khí mát mẻ của kênh. Điều này đòi hỏi phải duy trì kênh theo hướng vuông góc với các con đường.

Phân biệt ranh giới làng và các khu đô thị xung quanh thông qua duy trì một vòng ao cá quanh làng, hoặc các chiến lược tương tự để tạo ra cảm giác đi vào làng.

Giữ lại các hình thái đô thị đặc thù là nguyên tắc thừa nhận việc chuyển đổi cấu trúc từ các hoạt động liên quan đến nông nghiệp sang khu dân cư đặc trưng hơn bao gồm cả việc xây dựng các khu nhà ở cho người nhập cư. Chiều cao của các công trình xây dựng nên được giới hạn ở bốn tầng. Nếu trên hai tầng, khoảng cách giữa các công trình đối diện nhau nên là 4 mét. Nên giảm số công trình xây dựng mới, từ đó tăng diện tích không gian mở trên một khoảng đất từ mức 10% hiện tại lên 25%.

Ngoài ra, các di sản dòng tộc quan trọng, đền thờ nên được đăng ký di tích lịch sử, đồng thời phục hồi chức năng cho các công trình cổ. Dù không nhất thiết mang ý nghĩa lịch sử to lớn, những công trình này góp phần đáng kể vào các tính cách của ngôi làng và có thể được tái sử dụng làm doanh nghiệp thương mại, nhà hàng và cửa hàng, v.v. Mục đích của việc làm này không chỉ nhằm bảo tồn lối sống nông thôn hầu như đã biến mất khỏi các vùng ngoại ô thành phố ở đồng bằng Châu Giang, mà còn mang lại cuộc sống mới chất lượng hơn cho Dadun – nơi có thể xem là khu dân cư, thương mại và văn hóa năng động trong Trung tâm thành phố mới của Phật Sơn. Đề xuất này dựa trên giả định rằng sự chuyển đổi ao và kênh của Dadun sẽ hoàn toàn trái ngược với sự phát triển những tòa nhà cao tầng đô thị vốn sẽ mau chóng bao quanh nó và do đó, chính sự tương phản sẽ là nét hấp dẫn người dân hiện nay cũng như những người mới đến, theo cách đôi bên cùng có lợi.
Một câu hỏi đặt ra là liệu người dân sẽ quyết định ra sao trong tình hình giá trị của mảnh đất mà tổ tiên họ từng cày cấy đang tăng nhanh? Ở những nơi có tiềm năng hơn như rìa làng, chỗ xe hơi có thể ra vào và khu trung tâm làng, người dân đã đầu tư xây dựng mới. Những chuyển đổi này cần được tiếp tục chỉ đạo thông qua kiểm soát có lợi cho việc xây dựng các khu nhà cho cho người lao động nhập cư thuê và xuất phát từ nhu cầu nhà ở của họ.

Vấn đề nước cũng được giải quyết toàn diện hơn. Tháng 3 năm 2009, thành phố Phật Sơn đã đi đến một thỏa thuận với Ủy ban Làng Dadun. Những người dân làng đồng ý chi trả cho việc cài đặt một hệ thống thoát nước thành phố Phật Sơn kết nối với trung tâm xử lý chất thải mới. Đổi lại, thành phố Phật Sơn đã gỡ bỏ các khóa nước ngăn dòng chảy sông vào hệ thống kênh đào của làng. Đối với những nhà quy hoạch, việc quản lý cảnh quan đô thị với kênh mương, đê, cửa sông và ao cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới nhạy cảm hơn với quá trình tự nhiên của cảnh quan văn hóa và các nhu cầu đang thay đổi của người dân. Giá trị bản sắc địa phương cần được lưu ý để không bị mất đi trong các xu hướng quốc tế hóa của hình thái đô thị. Những vấn đề này chỉ mới được bắt đầu nhận thức, và việc thực hiện thường chưa khớp do tốc độ thay đổi không ngừng.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Những công trình mới dọc theo kênh phải xây trùng với đường chỉ giới xây dựng gần với đường giao thông đã được xác lập bởi các công trình cũ. Nguồn: Tác giả bài viết.

 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Đề xuất về các nguyên tắc xây dựng để đảm bảo đủ ánh sáng, thông gió và không gian mở. Nguồn: bản vẽ của Andrea Gaffney.

Kết luận

Nhà sử học Spiro Kostof nhắc nhở chúng ta rằng sự kết hợp các làng ngoại ô vào thành phố đã nhiều lần diễn ra trong lịch sử khắp thế giới từ thời cổ đại. Theo ông, lịch sử cũng cho thấy rằng sự kết hợp này chủ yếu có được không do tự nguyện và thường bị phản đối mạnh mẽ. Các ví dụ nổi tiếng bao gồm Athens, Sienna hoặc một số thành phố ở Iran như Kazvin, hay Calcutta ở Ấn Độ, và ngay cả làng Greenwich ở Manhattan. Ở các thành phố này và nhiều nơi khác, sự giao thoa giữa hai hình thái vẫn có thể tìm thấy dấu vết, do đó sự sống động của quá trình hội nhập xã hội xưa kia vẫn có thể được nhớ lại, hoặc tưởng tượng như là một phần của tiến trình văn hóa.

Khi các viên chức thành phố thành phố Phật Sơn nhận định rằng đề xuất của đồ án Dadun “không hoàn toàn thực tế”, họ muốn nhắc tới những khó khăn và hội đồng làng Dadun đối mặt khi triển khai. Cho phép một nhà đầu tư xây dựng công viên trung tâm của trung tâm thành phố mới có vẻ là một việc dễ dàng hơn trong mắt các viên chức. Nếu như Phật Sơn có thể trao cho dân làng một nền tảng kinh tế mới, như trở thành nhà cung cấp dịch vụ cho trung tâm thể thao mới xây dựng, hoặc chỗ cư ngụ cho một lực lượng lao động làm việc trong các ngành công nghiệp gần đó thì điều này sẽ hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển cái “mới” và cho nó giao thoa với cái ‘cũ’ một cách hài hòa hơn. Nếu, đồng thời, một mô hình đô thị nén trái với việc phát triển các cao ốc tự do, có thể được cải thiện theo hướng tiết kiệm năng lượng, không dẫn đến tình trạng quá tải và mật độ có thể chấp nhận được, vốn tương thích hơn với khí hậu địa phương, tạo bầu không khí sạch hơn bằng việc trồng cây lớn và cải thiện chất lượng nước bằng hệ thống quản lý nước thải và thoát nước hiện đại thì việc chuyển đổi có thể là ý tưởng hay. Đã đến lúc suy nghĩ về làm thế nào để giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện.

300x250 Ý tưởng thiết kế một ngôi làng giữa lòng Trung Hoa đô thị hóa

Cùng Danh Mục:

Comments

comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>