Những chuyện ly kỳ ở bến đò ‘ma’
Những cái chết liên tiếp trong vòng 15 năm của người chèo đò cùng với những lời đồn thổi ma mị khiến nơi đây trở thành một bến đò ‘ma’.
Chị Nguyễn Thị Liên (54 tuổi) kể về những điều mà chị từng trải ở bến đò “ma” Trằm Mé, thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình): “Từ tháng 5 trở đi, không hiểu sao cứ tầm 12h trưa, khi tui nghỉ ngơi tại cái chòi mà chồng tui dựng ở mép sông để tránh nắng, trú mưa thì nghe tiếng người con gái gọi đò vang vọng: “Đò ơi, đò ơi”. Thế nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại thì không thấy ai cả. Rồi có khi tiếng người con gái đó lại hát hò, cười khóc vang cả khúc sông. Có hôm, trời nắng quá đang thiu thiu chợp mắt trong chòi, tui chiêm bao thấy 3-4 cô du kích nói: “Chị ơi, tụi em đói quá, cho tụi em xin 12 nắm cơm với 1 nắm muối chị nhé”.
“Giật mình tỉnh giấc, mồ hôi toát ra, tui nghĩ chỉ là nằm mơ. 3 ngày sau, trong giấc mơ trưa, tui lại thấy mấy cô du kích đến xin cơm. Từ đó, cứ vào ngày rằm và mồng 1 hằng tháng, tui thắp hương và thả xuống sông 12 nắm cơm và 1 nắm muối. Những giấc mơ lạ cứ thưa dần rồi hết hẳn. Có điều, từ lúc chèo đò, tui hay bị đau đầu, xây xẩm mặt mày, người mệt mỏi lạ thường và mắt cứ mờ dần”, chị Liên kể tiếp.
Cũng theo lời chị Liên thì nhiều lúc khách bên kia sông gọi đò, chị xuôi chèo đưa đò ra giữa dòng thì như có ai níu lại rất nặng, chèo mãi đò cũng không đi. Chị lầm bầm khấn: “Thôi, đừng đùa chị nữa, cho chị đi kẻo tội. Khách đang chờ”.
Dứt lời, chiếc đò nhẹ như bưng, lao vùn vụt qua bên kia sông. “Mấy hang đá trong động lúc xưa là nơi trú ngụ của bộ đội và du kích hỏa tuyến. Ban ngày bộ đội ta lánh trong hang đá, ban đêm mới ra lắp cầu phao thông xe để vận chuyển lương thực và đưa quân vào tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Giặc biết, chúng bắn phá dữ dằn lắm, máu nhuộm đỏ cả bến đò này. Lúc ấy chị mới 12-13 tuổi thôi nhưng đều được nhìn tận mắt”, chị Liên cho biết.
Chị Trần Thị Liên, nữ phu đò duy nhất ở bến Trằm Mé.
Trước chị Liên đã có nhiều người chèo đò trên khúc sông ngày, nhưng lạ một điều, cả 7 người phu chèo đò đó đều lần lượt qua đời vì trọng bệnh, gây ra tâm lý hoang mang cho người dân trong khu vực. Đàn ông thì sợ, chẳng ai dại mà tự nộp mạng cho “thần chết” nữa. Từ đó, bến đò vắng hoe, không ai chèo đò khiến cuộc sống người dân thực sự đảo lộn và khó khăn, học sinh đua nhau bỏ học.
Chính quyền thôn bằng mọi cách vừa vận động, khuyến khích, vừa tăng mức trợ cấp cao ngất trời với những ưu đãi rất hậu nhưng kết quả thu về vẫn là con số không tròn trĩnh. Hàng chục, hàng trăm lá đơn được chuyển lên xã, huyện nhưng chưa có cách giải quyết.
Khi chính quyền đã bất lực, cố gắng làm đủ mọi cách vẫn không có kết quả thì bất ngờ, tháng 10/2012, chị Liên tới xin ký hợp đồng. Chị có chồng cùng 7 đứa con nheo nhóc đang tuổi ăn, tuổi học. Gia cảnh cũng thuộc hạng nghèo nhất thôn. Người phụ nữ có nước da ngăm đen, mắt sáng, nụ cười hiền hậu, uyển chuyển bẻ chèo rẽ nước, bắt đầu những ngày “đối mặt với thần chết” ở bến đò “ma”.
Nói về nguyên nhân ký hợp đồng chèo đò, chị Liên tâm sự: “Gia cảnh tui quá nghèo, 9 miệng ăn trông chờ vào 3 sào lúa, đụng vào cái gì cũng túng thiếu. Không chết khát thì cũng chết đói, cùng đường nên vợ chồng tui đành nhắm mắt đưa chân”. Chị bảo, nhiều đêm nằm ngủ, 2 vợ chồng gác tay lên trán suy tư, con cái đông không đi học thì không có tương lai, rồi đời cũng khổ như ba mẹ.
Gia cảnh cùng quẫn, vợ chồng chị Liên đành liều mình nhận làm phu đò cho thôn. Nghe quá nhiều lời đồn thổi ma quái về bến đò Trằm Mé, vợ chồng chị cũng rất hoang mang. Trước cái chết liên tiếp của 7 phu chèo đò, nếu để chồng nhận chèo thì chẳng khác nào đưa ổng vào chỗ chết. Thế là chị đảm nhận việc đưa đò để “phá thế chết chóc” ở “bến đò ma ám” ấy.
Nói về những giấc mơ kỳ lạ, chị Liên cũng thừa nhận: “Tui hay chiêm bao thấy các cô du kích có thể do nghe quá nhiều những lời đồn thổi ma mị của mọi người. Thêm vào đó, những ký ức hồi nhỏ khi chứng kiến bộ đội ta hy sinh ở bến sông này vẫn còn ám ảnh, tác động vào thần kinh khiến tui hay mơ sảng. Cuộc sống quá khó khăn nên tui cũng chưa có điều kiện đi bệnh viện khám được. Nếu khúc sông này có hóa chất độc hại thực thì tui cũng chẳng dám tiếp tục thí mạng mình”.
Ông Bí thư chi bộ thôn Trần Xuân Tền dẫn những người còn bán tin bán nghi đi thăm gia đình của những người đàn ông xấu số. Bà Trần Thị Hồng nói về cái chết của chồng mình là ông Nguyễn Văn Linh: “Ông nhà tui bị bệnh ung thư dạ dày rồi mất. Tuy nhiên lúc sức khỏe ổng quá yếu, gia đình tui mới đem đi khám. Khi biết sự thể thì mọi chuyện đã muộn rồi”. Cái chết của ông Nguyễn Văn Trương thì được mẹ là bà Nguyễn Thị Đại (80 tuổi) lý giải: “Thằng Trương bị sốt xuất huyết rồi chết chứ có ma quỷ nào bắt”.
Cái chết của ông Võ Viết Đức cũng được truy rõ nguyên nhân. “Ông nhà tui có tiền sử bệnh tai biến mạch máu não, ông ấy chóng mặt, nôn ói là chuyện hằng ngày. Nhiều lúc tui khuyên nếu sức khỏe yếu thì nghỉ chèo đi nhưng ông ấy vẫn cố chấp. Vì huyết áp lên cao quá, không có ai phát hiện nên ông chết ngay trên đò” – bà Nguyễn Thị Lý, vợ ông Đức, cho hay.
Ông Nguyễn Văn Chấp chết vì bệnh ung thư gan, đã ủ bệnh từ rất lâu trước khi nhận làm phu đò. Ông Trương Văn Đại thì bị căn bệnh khớp. Tuy nhiên, người đàn bà mê tín này vẫn tin rằng chồng mình bị “ma bắt” vì “bệnh khớp không thể làm chết một người đàn ông khỏe mạnh”. Chỉ có cái chết của ông Nguyễn Văn Vui và Nguyễn Văn Đạo thì chưa rõ nguyên nhân nên những người rỗi việc trong làng mới thêu dệt nên những câu chuyện ma quỷ để tán gẫu với nhau lúc trà dư tửu hậu.
Ông Trần Xuân Tền khẳng định: “Cái chết của những phu đò trong thôn đều do mắc những căn bệnh cụ thể. Chỉ vì trước khi nhận đưa đò, họ chưa phát hiện bệnh hoặc bệnh chưa đến kỳ nguy hiểm. Đến khi làm nghề đưa đò vất vả thì bệnh mới nặng thêm rồi mất. Bà con thiếu hiểu biết nên cứ đồn thổi, chứ ma quỷ nào xuất hiện giữa ban ngày”.
Ông Tền cho biết thêm, những năm 1966 – 1968, bến đò Trằm Mé là nơi bộ đội ta lắp cầu phao thông xe, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược qua đường Hồ Chí Minh sang Lào nên bị Mỹ – Ngụy thả bom, bắn phá rất nhiều. Chúng còn thả hóa chất để đầu độc nguồn nước.
Có thể đến giờ, hóa chất chưa tan hết, trời nắng bốc lên khiến những người chèo đò vốn sẵn bệnh nên sức yếu không thể kháng được dẫn đến tử vong. Lời nói của ông bí thư chi bộ thôn thực sự có cơ sở vì mấy chục năm qua, không có người dân nào ở thôn Trằm Mé bắt được con cá, con tôm ở khúc sông bị nhiễm hóa chất này. Chuyện chị Liên khi chèo đò hay bị choáng đầu, hoa mắt rất có thể do hơi độc của nước sông bốc lên.
Theo Nông Thôn Ngày Nay
Leave a Reply