Cồn đất linh thiêng và nhiều cái chết bí ẩn ở cửa biển Đà Nẵng
Nhiều người chết quanh cồn đất bí ẩn, bao gồm cả người bơi giỏi. Những người xúc phạm ngôi miếu gần đó cũng tự nhiên mất mạng.
Người đi qua cây cầu Thương Nam Ô nằm trên tuyến đường tránh Bắc Nam thuộc địa phận quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) thường chú ý đến cồn đất nhô lên giữa lòng sông Cu Đê (gần cửa biển Nam Ô, thuộc thôn Thủy Tú, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Cùng với ngôi miếu Bà Chúa (còn gọi miếu Hà Bá), cồn đất này từ lâu đã gắn với nhiều câu chuyện lạ.
Trước kia, dòng Cu Đê đón đầu con nước từ thượng nguồn đổ ra biển. Ngày hè, nước trong vắt nhìn rõ nơi đáy lô nhô sỏi đá; mùa mưa, sông hung dữ nước cuồn cuộn chạy trắng xóa. Người làng Thủy Tú chủ yếu sống dọc bên bờ nam của con sông bằng nghề chài lưới. Một số người bèn nghĩ ra cách bơi sang bãi đất có tên đồng Thiên bên kia sông để trồng lúa và chăn nuôi gia súc.
Cũng khoảng thời gian này, ông trời “thương tình” bỗng cho hình thành lên giữa sông một cồn đất. Cồn nhô cao, rộng khoảng chừng 600m2 trở thành một điểm trung chuyển, để cho những ai muốn vượt sông sang bên kia bờ bắc, khai phá đất trồng và chăn thả gia súc có thể ghé vào, dừng lại lấy thêm sức. Khi cồn đất hình thành, cũng là lúc người dân và gia súc đi qua đoạn sông này bị chết rất nhiều, khó lý giải.
Cồn đất bí ẩn nằm giữa sông Cu Đê, nơi xảy ra nhiều cái chết bí ẩn và thương tâm.
Cái chết đầu tiên của một ngư dân chài lưới tên Phương. Vào trưa một ngày hè oi nồng, ông mới bơi ra cồn đất giữa sông, vừa tiện thể để tắm và cũng vừa muốn sang đồng Thiên cắt cỏ cho bò. Trời đang nắng to bỗng bất ngờ mây đen kịt kéo đến, rồi cơn mưa ập xuống xối xả. Nước sông lập tức dậy sóng cuồng cuồng cuốn phăng ông Phương trong tích tắc. Một lúc sau, trời lại quang tạnh, nhưng người nhà chưa thể nào tìm được xác ông.
Ba ngày sau, hai mẹ con người làng có tên bà Lê Luận cũng lại ra đi một cách bí ẩn trên khúc sông này. Bẵng đi một tuần, người làng Thủy Tú lại tiếp tục nhốn nháo trước cái chết có phần kỳ cục của một anh thanh niên trẻ tên Lê Huân. Mới sáng, nhiều người còn thấy anh khỏe mạnh, lùa đàn bò băng sông sang cánh đồng Thiên chăn thả. Nhưng không hiểu nguyên do gì mà mãi dân làng không thấy anh lùa bò về.
Sau một thời gian tìm kiếm người dân phát hiện xác anh đang mắc vào mỏm đá, người nằm vắt mình một nửa trên cồn đất nổi, một nửa dưới sông. Điều lạ, bụng anh Huân căng to như thể uống rất nhiều nước, song người không có dấu hiệu đuối nước, trong khi anh được tiếng bơi rất giỏi.
Làng Thủy Tú lúc đó chỉ độ chừng vài mươi hộ, nhưng chỉ trong vòng nửa năm mà có đến hàng chục người chết nước. Chỉ khoảng 5 người tìm thấy xác, còn lại, cứ hễ bơi chạm cồn đất thì được tin “mất tích”.
Nếu như người chết một thì gia súc chết mười. Những con trâu bò, vốn lội sông rất giỏi nhưng không hiểu vì lẽ gì, khi ngang qua cồn đất bỗng lăn đùng ra chết, xác trôi theo dòng sông. Xâu chuỗi những điều không may với nhau, ai nấy đều nghĩ ngay đến cồn đất nổi lên kỳ lạ giữa sông. Nhiều tháng ròng, không ai dám vượt sông, bỏ mặc cho ruộng đồng bị cỏ phủ kín.
Ông Lê Lục, người trông coi ngôi miếu
Người làng “hóa giải tai ương” bằng cách góp tiền, công sức xây ngôi miếu và đặt tên miếu Bà Chúa sông Cu Đê, lấy ngày lập miếu 20/6 hàng năm để làm lễ cúng. Người làng cho rằng, từ ngày xây miếu trên cồn đất lạ, bão lũ mỗi khi vào Đà Nẵng tàn phá, đều gần như “loại” Thủy Tú ra, dù rằng ngôi làng này nằm trên sông, gần cửa biển.
Tuy nhiên, năm tháng qua đi, theo nhịp phát triển của xã hội, cũng có lúc ngôi miếu bị lãng quên. Theo lời ông Lê Lục (90 tuổi), một cao niên trong vùng Thủy Tú và cũng là người hằng năm đứng ra làm lễ cúng ngôi miếu kể, ví như trận bão năm 2006, vì người dân đã không sắm lễ vật cúng Bà như thường lệ nên năm đó, dân làng Thủy Tú đã gặp vận đen, lãnh hậu quả nặng nề.
Sau trận bão, người dân đã không còn lãng quên sự có mặt của ngôi miếu. Sức người trước sức mạnh thiên nhiên chỉ nhỏ nhoi như muối bỏ bể, nên người ta tìm đến sức mạnh tâm linh, cầu mong sự may mắn. Mỗi khi có bão vào, đã thành lệ, người dân Thủy Tú lại cử người lần ra miếu Bà đánh 3 hồi trống.
Mới đây nhất, trong trận bão Nari, ông Lục cũng lặp lại hành động đánh trống trên. Dù rằng Đà Nẵng bị tàn phá nặng nề trong trận cuồng phong đêm 14 đến ngày 15/10 nhưng làng Thủy Tú may mắn chỉ bị hư hỏng một số cây chuối, nước không hề vào đến nhà.
Liên quan đến ngôi miếu trên cồn đất, còn có hai tai nạn xảy ra tình cờ khiến những người mê tín dị đoan thêm lần thêu dệt “miếu thiêng”. Một ngày cuối năm 2011, thanh niên tên Thanh, kỹ sư xây dựng, đang làm nhiệm vụ cho một công trình gần khu Thủy Tú nghe kể chuyện miếu Bà, đã cho rằng “nhảm nhí” nên đứng ngay gần miếu mà tiểu tiện. Chiều cùng ngày, người dân phát hiện anh này đột tử ngồi chết cứng ở mố cầu.
Ít ngày sau, một người tới thăm làng Thủy Tú, cũng không tin, đứng ngay khu miếu Bà thách thức. Chỉ sau đó vài giờ đồng hồ, đang đi đường, anh đâm xe vào khu vực cầu vượt Hòa Cầm (Đà Nẵng) mất mạng. Cơ quan chức năng đã xác định trong vụ thứ nhất, nạn nhân đột tử vì lý do sức khỏe. Trong vụ thứ hai, nạn nhân mất tay lái nên gây tai nạn giao thông.
Những cái chết nước trước đây đều là có thật, tuy nhiên đó chỉ là những tai nạn có thể gặp nếu không may rơi vào xoáy nước. Đối với chuyện thờ Miếu Bà, đánh 3 hồi trống mỗi khi bão vào, câu chuyện gắn lịch sử hình thành khu đất và thuộc về tín ngưỡng nên được coi như một phong tục.
Theo Pháp Luật Việt Nam
Leave a Reply